Động thái này diễn ra sau khi Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực từ hôm nay, kéo dài trong 3 năm.
Theo đó, sầu riêng của Việt Nam sẽ được xuất khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc. Toàn bộ các lô hàng sẽ được đóng gói theo quy định của nước nhập khẩu. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, hải quan nước này sẽ kiểm tra giấy tờ và hồ sơ liên quan, đồng thời, hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Với những lô hàng mà không có hồ sơ đăng ký xuất khẩu và mã vùng trồng sẽ không được nhập vào Trung Quốc.
Việc ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các bên liên quan bàn bạc hơn 2 năm nay.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, để sầu riêng đảm bảo chất lượng khi xuất khẩu, nhà vườn và doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, không có dư lượng bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, đóng gói đúng quy định. Thông tin xuất khẩu phải đầy đủ tên doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Ngoài ra, khi canh tác, doanh nghiệp, người dân cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đang chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật ở các nơi khi có hàng hóa cần kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo hàng xuất đi uy tín và chất lượng. Song song đó, cơ quan kiểm tra cần hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp để quá trình kiểm dịch thuận lợi và nhanh chóng.
Báo cáo của Cục trồng trọt, năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch.
Cùng với sầu riêng, tháng 6, Trung Quốc cũng vừa chấp thuận cho chanh leo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sau thời gian dài đàm phán. Với thị trường Mỹ, quả bưởi cũng đang hoàn tất các bước cuối cùng để được xuất khẩu.